Dị ứng bia, nỗi khổ không của riêng ai

Nhiều người uống bia như hũ chìm, nhưng chỉ hớp một ngụm rượu là nhăn mặt. Tiếng “chuyên môn” gọi là…nhát rượu.

Dị ứng bia, nỗi khổ không của riêng ai

Dị ứng bia là điều đau khổ. Tìm ra được loại bia “lành mạnh” là điều hạnh phúc. Có lẽ chỉ trong đau khổ mới nhận ra được giá trị đích thực của hạnh phúc.

Nhưng cũng có người uống rượu thuộc hàng cao thủ, nhưng chỉ vào một ly bia là người mẩn đỏ, đau bụng, nghẹt mũi, khó thở,…Họ dị ứng với bia. Nhưng bia thì có muôn vàn loại bia, chẳng lẽ hễ thấy bia là…sợ? Cần làm rõ chuyện này nếu không uổng cả đời.

Có rất nhiều loại bia, và cũng có nhiều nguyên liệu để làm bia, nhưng chủ yếu là những thứ sau: ngũ cốc (lúa mạch, lúa mì, bo bo, yến mạch, gạo,…), hoa bia, và men.

Ngoài ra còn vài thứ phụ gia lỉnh kỉnh như chất bảo quản sulfite,…Dị ứng hay cơ thể bất dung nạp (intolerance) với một trong những thứ này đều có thể gây ra triệu chứng khó chịu, gọi chung là dị ứng bia.

Hoa cái còn….zin

Men bia có rất nhiều loại, được xem là bí quyết riêng của mỗi hãng. Có người dị ứng với men bia này, nhưng với men khác thì không.

Sulfite ít dùng trong bia, thường để làm sạch các thiết bị sản xuất, nếu có chỉ là vết. Tuy nhiên một số người dị ứng với sulfite, nhất là  những người bị suyễn thường nhạy cảm với sulfite

Hoa bia (houblon

Hoa bia (houblon) tạo vị đắng và hương bia đặc trưng. Rót bia ra ly, bọt bền, chứ không đến nỗi bọt…bèo cũng là do công dụng của hoa bia.

Một số ít người dị ứng với hoa bia, đúng hơn là dị ứng với phấn (pollen) của hoa bia. Có lẽ vì vậy mà trong sản xuất bia, người ta dùng hoa cái còn.. zin, chưa thụ phấn.

Điều khổ tâm là, bia nào lại chẳng dùng tới hoa bia, không có hoa bia thì còn gì là bia, ngoại trừ bia thời Trung Cổ, khi mà nhân loại chưa biết tới công dụng thần thánh của hoa bia, nên chỉ xài bia…ngọt. Dị ứng với hoa bia coi như hết đỡ.

Nhưng trời còn thương, dị ứng hoa bia thường là nhẹ, da mẩn đỏ, chảy nước, nghẹt mũi, hắt hơi,… Vả lại, hãng bia dùng loại hoa bia nào, dùng nhiều hay ít. Do đó, người “nhạy cảm’ nên biết chọn bia mà chơi, chọn đô mà uống. Vào quá đô, ngứa ngáy khó chịu, lại uổng công bia bọt.

Rắc rối nhất là ngũ cốc

ngũ cốc

Thông thường người ta dùng lúa mạch (barley) để làm bia, nhưng không phải nước nào cũng có sẵn lúa mạch, như Việt Nam chẳng hạn, mỗi năm ngốn gần 3,5 tỉ lít bia, lấy đâu ra cho đủ lúa mạch mà làm bia. Bởi vậy người ta mới đưa thêm vào lúa mì, yến mạch (rye), gạo, bắp, bo bo (job’s tears), lúa miến (sorghum)…

Lúa mạch, lúa mì, và yến mạch đều có gluten. Ai dị ứng với gluten mà uống bia được sản xuất từ một trong những loại ngũ cốc này thì coi như…thua.

Nếu chỉ bất dung nạp gluten do bộ máy tiêu hóa không chịu “xài” gluten, thì có thể uống cho tới khi cơ thể bị hành mẩn đỏ, đau bụng, khó thở,…thì ngưng. Mà đã bị “hành” rồi thì khó chịu lắm, tốt nhất chỉ nên nhấm nháp chút chút cho đỡ thèm, và cũng khỏi mang tiếng là nhát bia.

Một số hãng dùng lúa miến để làm bia, và quảng cáo là bia “free-gluten” cho những người dị ứng với gluten. Tuy nhiên, cũng có một số người cũng dị ứng với lúa miến. Đã né gluten tới cỡ này, mà còn bị lúa miến hành nữa thì đúng là xui…quá cỡ.

Chưa hết, còn xui tận mạng nữa

Nhưng ngũ cốc không thể dùng làm bia ngay được, mà phải cho chúng nảy mầm sơ sơ, bằng cách ngâm, rồi sấy để trở thành dạng mạch nha (malt), gọi là quá trình malt hóa ngũ cốc (malting).

Malt ngũ cốc được đem nấu để biến tinh bột thành đường. Trong các loại ngũ cốc, thì malt của lúa mạch được ưa chuộng nhất vì nó dễ chuyển hóa tinh bột thành đường hơn.

Từ dịch đường, người ta mới nấu thêm với hoa bia để có được hương thơm vị đắng đặc trưng của bia, rồi sau đó cho lên men thành bia. Malt ngũ cốc cũng được dùng làm rượu whisky theo công nghệ riêng.

Trong quá trình nảy mầm (malt hóa) phát sinh ra rất nhiều loại enzyme, đồng thời cũng phát sinh ra những chất có thể gây dị ứng.

Dị ứng với malt thì coi như xui… tận mạng vì bia nào mà chẳng có malt. Mà biết đâu lại phải kiêng luôn cả rượu whisky cũng không chừng.

Giá trị của hạnh phúc

Dị ứng với bia, nhưng dị ứng với thứ nào trong bia? Lúa mạch, lúa mì, malt bia, hoa bia, men bia, sulfite… ? Các triệu chứng dị ứng bia thường tương tự như nhau: viêm mũi, ngứa ngáy, đau bụng,…Cần tìm cho ra thứ nào mình kỵ để mà né chứ, nói cách khác, phải tìm ra được loại bia “lành mạnh”, chứ chẳng lẽ suốt đời nhìn người ta uống bia?

Nên đi bác sĩ để có lời khuyên về xét nghiệm để biết mình dị ứng với thành phần nào của bia. Test trên da đôi khi chẳng ăn thua gì, cần phải thử máu. Người bị dị ứng với chất nào đó, thường kháng thể (IgE) trong máu tăng cao.

Thử máu để định lượng, rồi mới suy đoán loại trừ, và phăng lần ra manh mối. Đây là quá trình phức tạp, “nạn nhân” cần kiên nhẫn, vì bác sĩ “yêu nghề” còn kiên nhẫn hơn họ rất nhiều mới tìm ra được hung thủ.

Theo TGTT

4 thoughts on “Dị ứng bia, nỗi khổ không của riêng ai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *